KDLST Vàm Sát ở đâu
Khu du lịch sinh thái Vàm Sát (Vàm Sát ecopark) nằm trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ TP.HCM. Là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Phú Thọ (Phuthotourist). Vị trí cách bến phà Bình Khánh khoảng 40km (xem hướng dẫn đường đi).
Phuthotourist là cơ quan chủ quản của Trung tâm dịch vụ du lịch Đầm Sen, khách sạn Phú Thọ, khách sạn Ngọc Lan (quận 11), đặc biệt là Công viên văn hóa Đầm Sen. Cũng vì thế mà người dân địa phương gọi khu du lịch sinh thái Vàm Sát là Đầm Sen 2.

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Lý Nhơn, cái tên Vàm Sát được đọc trại từ tiếng khơ mer: “Peám Sak”. Trong đó chữ Peám nghĩa là “ngã ba sông”, còn Sak là “cây Mấm”. Vàm Sát nghĩa là “ngã ba sông có nhiều cây Mấm”. Và thực tế, Vàm Sát ecopark có vị trí nằm ngay ngã ba sông Vàm Sát và sông Lò Rèn
Lịch sử hình thành
Lịch sử hình thành của Vàm Sát bắt đầu từ một chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ vào năm 1979. Chiến dịch này do lực lượng Thanh niên Xung phong thực hiện. Đến 1999, UBND TP.HCM giao Vàm Sát cho Phuthotourist quản lý, khai thác kinh doanh du lịch. Với sự chuyển đổi này, Vàm Sát đã trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bảo vệ rừng
Bên cạnh khai thác du lịch, Vàm Sát còn làm nhiệm vụ bảo tồn rừng và động vật nơi đây. Du khách có thể thấy những con cá sấu Xiêm và cá sấu Hoa Cà được nuôi thả trong đầm lầy tự nhiên. Những loài khỉ đuôi dài hoang dã không sợ người lạ. Những đàn dơi nghệ thuộc loài quý hiếm trên thế giới sống bầy đàn trong rừng sâu, hay những giống chim quý sống tự nhiên trên những ngọn cây cao.

Năm 2000, UNESCO công nhận Rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Và khu du lịch sinh thái Vàm Sát cũng thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển này. Vàm Sát là một trong 2 KHU DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG CỦA THẾ GIỚI tại Việt Nam. Danh hiệu này được tổ chức Du lịch thế giới (WTO) công nhận vào năm 2003. Đến 2014, Vàm Sát lọt vào danh sách “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị”.
Rừng Sác Cần Giờ
Trước chiến tranh, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú. Nhưng trong chiến tranh bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành “vùng đất chết”. Năm 1978, Cần Giờ sáp nhập về TP.HCM. Và năm 1979, UBND TP.HCM phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, thành lập Lâm trường Duyên Hải. Nhiệm vụ là khôi phục hệ sinh thái ngập mặn. Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn héc-ta. Trong đó có gần 20.000 héc-ta rừng trồng. Hơn 11.000 héc-ta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Pingback: Rau đặc sản Vàm Sát: độc nhất vô nhị của vùng nước mặn
Pingback: Tràm chim Vàm Sát: nơi sinh sống tự nhiên của các loại chim quý hiếm
Gần ngay chỗ mình mà không biết . Hôm nào phải đưa gia đình đến mới được