Tràm chim

Tràm chim Vàm Sát là nơi sinh trưởng của các loài chim hoang dã của vùng Nam bộ. Đây cũng là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì thế các loài chim ở đây được bảo tồn nguyên vẹn. Có thể tìm thấy những loài chim quý hiếm như Giang sen, Còng cọc, Diệc…

Vị trí

Tràm chim Vàm Sát nằm cách cổng chào khu trung tâm Vàm Sát khoảng 800 mét. Để vào đây tham quan, bạn sẽ đi xe sinh thái của khu du lịch Vàm Sát (đã bao gồm trong vé). Đây cũng là phương tiện được du khách yêu thích khi tham quan rừng sác.

Mùa chim làm tổ

Điểm đặc biệt của Tràm chim Vàm Sát là “mùa chim làm tổ”. Thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Đây là thời gian các loại chim khắp nơi về đây sinh sản. Số lượng ước chừng hàng triệu con. Bạn sẽ thấy những con chim bay ngang qua, mỏ chúng gắp từng nhánh cây về đan thành tổ. Nếu đi xuồng điện vào trong, bạn sẽ được tiếp cận gần các tổ chim hơn.

Tràm chim chỉ mở cửa hoạt động từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên do đây là mùa các loại chim tụ về làm tổ, sinh sản. Còn ngoài thời gian này, các loại chim di trú, nên số lượng còn lại rất ít. Tràm chim phải đóng cửa để bảo toàn lượng chim còn lại không bị khuấy động.

Thực tế tổ của chúng không đẹp như trong sách giáo khoa. Nhưng có một điều là tổ chúng rất chắc chắn. Những chiếc tổ ấy đủ để chim mẹ nằm cùng bầy chim non cho đến khi chúng biết bay. Còn những con chim bố sẽ đứng ở các nhánh cây gần đó quan sát và bảo vệ “gia đình mình”. Khi những con chim non trưởng thành, chim mẹ sẽ đẩy chúng ra khỏi tổ. Điều kỳ diệu của tạo hóa là chưa kịp chạm đất, những con chim con sẽ biết xoải cánh bay.  

Người dân xã Lý Nhơn kể rằng, không ai biết sân chim này có tự bao giờ. Hồi xưa, chim ở đây nhiều vô kể. Thời chiến tranh, bom đạn của Mỹ-Ngụy phá hủy gần hết cả khu rừng khiến chim cò bỏ đi gần hết. Phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, sân chim mới được phục hồi và dần phát triển đông đúc như bây giờ.

4 loại chim quý đang sống tại Tràm chim Vàm Sát:

Chim Giang Sen

Là loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ, được tìm thấy tại Vàm Sát. Chúng còn được gọi là “chim báo bão”. Đây là loài chim thuộc họ Hạc, tìm mồi theo bầy ở các vùng nước nông dọc theo sông và hồ, làm tổ theo đàn trên cây. Chúng không di cư và chỉ di chuyển cự ly ngắn ở trong phạm vi phân bố để tìm kiếm thức ăn và để sinh sản.

Chim Già Đẩy

Tràm chim vàm sát
Chim Già Đẩy

Chim Già đẫy chóp đầu có nhạt màu và phần trên bộ lông trên màu tối đồng nhất, có vẻ hầu như tất cả màu đen. Đầu và cổ gần như hói có ít lông rải rác. Già đẫy thường sống ở các con sông và hồ lớn có nhiều cây. Loài này phân bố từ Ấn Độ đến lục địa Đông Nam Á đến đảo Java. Loài này được xếp trong Danh mục sách đỏ động vật Việt Nam và thuộc nhóm IB.

Chim còng cọc

tràm chim vàm sát còng cọc
Chim còng cọc

Là loài chim nước (còn gọi là chim cốc), thường sống thành đàn. Và cũng có khi sống lẻ loi vì môi trường không mấy thích hợp như đồng hẹp, cá ít, phải phân tán tìm mồi. Chim còng cọc săn mồi bằng cách lặn trong nước và đuổi bắt con mồi rất tinh tường. Biệt tài của chúng là khi lặn, mắt chúng có 1 lớp màng trắng che lại bảo vệ. Nhưng chúng vẫn thấy con mồi và mọi vật. Khi cổ diều chúng đã đầy cá, chim còng cọc sẽ bay lên cây để phơi lông. Hoặc bay về tổ để mớm mồi cho chim con.

Chim Diệc

tràm chim vàm sát
Chim Diệc

Cũng là loài chim săn mồi vùng sông nước. Năm 2005, một nhà khoa học người Canada là tiến sĩ Louis Lefebvre thông báo là đã tạo ra phương pháp đo chỉ số IQ của các loài động vật biết bay, dựa theo khả năng sáng tạo của chúng trong các môi trường kiếm ăn. Và theo phương pháp của ông, thì loài diệc được đặt trong số các loài chim thông minh nhất trong cách kiếm ăn.

Ngắm chim trên tháp canh

Đến cổng tràm chim Vàm Sát, bạn có thể đi bộ vào trong khoảng 200 mét. Trên đường đi, bạn sẽ nghe âm thanh của tiếng chim văng vẳng, xem lẫn trong tiếng lá xào sạc của rừng đước Cần Giờ. Sau đó bạn sẽ đến với một tháp canh cao 25 mét. Tháp này do ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ xây dựng để kiểm tra và theo dõi đời sống của các loài chim. Bạn có thể lên đây và chiêm ngưỡng không gian bạt ngàn của rừng. Đồng thời ngắm cuộc sống sinh động của các loài chim.

Đặc tính của các loại chim là bay đi kiếm ăn lúc 6 giờ sáng, và trở về tổ vào lúc 17 giờ chiều. Chính vì vậy, khi bạn đến đài quan sát sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục của thiên nhiên Hàng ngàn con chim cất cánh bay đi dưới ánh bình minh vừa hé. Và cảnh những bầy chim về tổ theo đội hình của những chiếc may bay tiêm kích. Con đầu đàn dẫn đường và những con tiếp theo xếp đội hình “mũi tên”. Trước khi bay đi cũng như “hạ cánh”, chúng thường làm một màn chào sân bằng cách lượn vài vòng trên tổ của chúng. Đây là cách chúng xác định vị trí tổ của mình. Sau đó, “ai về nhà nấy”.

Ngắm chim bằng xuồng điện

Nếu bạn muốn đi khám phá sâu hơn, hãy chọn phương tiện xuồng điện hai thân đặc biệt của Vàm Sát. Chiếc xuồng điện này được làm bằng nhựa composite, và có thể chở khoảng 7 người ngồi vững chắc, di chuyển với tốc độ chậm. Với phương tiện này, bạn sẽ vào tận nơi các loài chim sinh sống. Khi đến gần, cả trăm con chim bay ra ào ào từ hai bên lạch. Hình ảnh đó sẽ khiến bạn kinh ngạc và trầm trồ. Ngoài ra, bạn còn thấy những con chim đậu trên ngọn cây gần hơn. Các loài Giang Sen, Già Đẩy thuộc loại sách đỏ trên thế giới đang sống hàng đàn ở đây. 

Nếu bạn vào đến tận trong này khoảng 17 giờ, bạn sẽ thấy những đàn chim bay về theo từng bầy. Nhìn từ dưới lên, bạn có cảm giác như những đội hình máy bay tiêm kích đang đến. Bởi các bầy chim bay theo đội hình mũi tên. Và khi chúng lượn trên đầu tổ, bạn sẽ phải trầm trồ vì cảnh đẹp không nơi nào thấy được ngoại trừ tràm chim Vàm Sát.