Tháp tang bồng

Giới thiệu Tháp tang bồng

Tháp Tang bồng được xây bằng thép cao 26 mét có dạng hình cánh cung hướng lên trời. Tháp có 4 tầng quan sát, và đi lên đỉnh qua 2 cung thang 134 – 138 bậc. Lên đỉnh tháp, bạn sẽ thấy xung quanh bạt ngàn rừng đước bao la. Và thấy cả tháp canh ở tràm chim Vàm Sát. Đây được xem là điểm trung tâm của khu DLST Vàm Sát.

tháp tang bồng
Ảnh lịch sử: các chiến sĩ đặc công trung đoàn 10 ra quân.

Bên cạnh mục đích quan sát bảo vệ rừng, Công ty CPDVDL Phú Thọ còn xây dựng Tháp tang bồng nhằm tưởng niệm, tri ân hơn 820 bộ đội đặc công Trung đoàn 10 rừng Sác và hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh trên địa bàn.

Theo một số tài liệu, “Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang hồ bồng thỉ”.  “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “hồ thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang hồ bồng thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục truyền, ngày xưa ở Trung Quốc, hễ đẻ con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, còn một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm này là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành dọc ngang giữa trời đất.  

Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các từ như “Chí tang bồng”, “nợ tang bồng”. Thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thoả mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào.

Một “Hội trường” để tập huấn

Khi xây dựng Tháp tang bồng, người ta phải sử dụng hầu hết bằng sức người. Từ việc chống đỡ cho đến chằng kéo mà không có phương tiện cơ giới. Lý do đơn giản vào những năm trước đây, khu vực này bị cách ly bởi kênh rạch. Cách phương tiện đi vào phải qua cầu phao trên mặt nước hoặc xuồng ghe. Nên việc đưa các loại máy móc hạng nặng vào đây là điều không thể.

Ở dưới chân Tháp tang bồng là nơi trưng bày hình ảnh về lịch sử xây dựng KDLST Vàm Sát. Đây cũng là nơi để các bạn trẻ tổ chức sinh hoạt tập huấn ngoài trời. Có thể ví như một “hội trường” đa năng đối với các tổ chức Đoàn Hội trong công tác đào tạo huấn luyện kỹ năng.